QUAN HỆ VIỆT NAM - MÔNG CỔ

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: ngày 17 tháng 11 năm 1954.

2. Những mốc lớn trong lịch sử quan hệ hai nước:
- Tháng 7/1955: Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta lần đầu tiên thăm Mông Cổ.
- 9/6/1959: Mở cơ quan đại diện thường trú Mông Cổ tại Hà Nội.
- 13/2/1960: Mở cơ quan đại diện thường trú Việt Nam tại U-lan-ba-to.
- 1961: Ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác đầu tiên (hai lần sau vào các năm 1979, 2000). Thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ.
- 3/12/1979: Thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật.

3. Về quan hệ chính trị: 
Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Trước năm 1990, hai bên thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau. Từ năm 1992, mặc dù đã chuyển sang chế độ đa nguyên đa đảng, nhưng Mông Cổ vẫn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Những năm gần đây, hai bên duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi đoàn cấp cao cũng như đoàn các cấp, các bộ, ngành, tổ chức hữu nghị. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu Nhân có chuyến thăm chính thức Mông Cổ từ 13 - 14 /7/2016 nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 tại U-lan-ba-to, Mông Cổ. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Mông Cổ từ 8-10/5/2017. Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ M.Enkhbold thăm chính thức Việt Nam (20-23/1/2018) nhân dịp dự hội nghị APPF tại Hà Nội. 

Trao đổi đoàn của Lãnh đạo ta sang Mông Cổ: Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Mông Cổ ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (2000), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Mông Cổ (2008), Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mông Cổ (1999), thăm chính thức Mông Cổ (2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức Mông Cổ (2003), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm chính thức Mông Cổ (2009), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm chính thức Mông Cổ (2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mông Cổ và dự Hội nghị cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ (7/2016), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Mông Cổ từ (5/2017). 

Trao đổi đoàn của Lãnh đạo Mông Cổ sang Việt Nam: Tổng thống Mông Cổ O-chi-rơ-bát thăm chính thức (1994), Tổng thống Mông Cổ N.Ba-ga-ban-di thăm hữu nghị chính thức (2005), Tổng thống Mông Cổ Ên-bếc-đóc-giơ thăm cấp Nhà nước (11/2013), Thủ tướng Mông Cổ N.Ên-khơ-bay-a thăm chính thức (2002), Chủ tịch Quốc hội S.Thơ-mơ O-chi-rơ (2004), Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ D.Dêm-bê-rên (2010), Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ M.Enkhbold (tháng 01/2018). 

4. Về hợp tác kinh tế - thương mại: 
Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ trong những năm gần đây duy trì ở mức khiêm tốn. Giữa hai nước có cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ, phiên họp gần đây nhất (phiên thứ 16) tổ chức tháng 8/2017 tại Thủ đô U-lan-ba-to. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mông Cổ đạt 58,3 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mông Cổ đạt 19 triệu USD tăng 44,8%; nhập khẩu từ Mông Cổ đạt 39,3 triệu USD tăng 80%. 

5. Về hợp tác trên các lĩnh vực khác: 
Về văn hóa, hai bên đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Trung tâm Văn hóa Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thủ đô Ulan-Bato, Mông Cổ năm 2009. Năm 2013, Việt Nam và Mông Cổ phối hợp cùng sản xuất bộ phim “Cuộc sống như một bộ phim” của Mông Cổ với các cảnh quay tại Việt Nam và được trình chiếu rộng rãi tại Mông Cổ và Việt Nam. Năm 2014, phía Mông Cổ cử đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế. Năm 2014, hai bên kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về giáo dục, đào tạo, trao đổi sinh viên được thực hiện từ những năm 60. Theo Hiệp định về Hợp tác giáo dục giai đoạn 2013-2016, hàng năm Việt Nam nhận đào tạo 15 sinh viên Mông Cổ và Mông Cổ đào tạo 5 sinh viên Việt Nam. Hiện nay có khoảng 20 sinh viên tại Mông Cổ và Mông Cổ có hơn 50 sinh viên đang học tại Việt Nam./.
Tháng 5 năm 2018


  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​